Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Cẩm nang cho những người muốn thăng tiến

- Được cấp trên tin tưởng và có cơ hội được đề bạt lên những vị trí cao hơn là mong muốn của hầu hết tất cả mọi người. Nhưng trên thực tế, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu bạn muốn được thăng tiến, hãy nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của chính nhà quản lý của bạn. Giả sử bạn được bổ nhiệm vào một vị trí cao hơn, điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với phòng ban của bạn nói riêng và cả công ty nói chung? Một khi sếp đề bạt bạn, nếu bạn gây ra sai lầm nào đó, thì sếp sẽ là người gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, cách khôn ngoan nhất để được thăng tiến là hãy sử dụng những thành tích mà bạn có để cho sếp thấy, sếp sẽ được những gì khi cất nhắc bạn lên một vị trí cao hơn.

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn được cất nhắc, do chính các nhà quản lý tiết lộ:

1. Nỗ lực ở những thời điểm mà sếp không làm được công việc nào đó

Bà Crystal Brown-Tatums, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Crystal Clear Communications, đã cất nhắc một nhân viên nữ trẻ tuổi lên một vị trí cao hơn sau khi nhân viên này hỗ trợ đắc lực cho bà trong một trường hợp bà gặp sự cố. Hôm đó, công ty của bà Brown-Tatums tổ chức một buổi đào tạo rất quan trọng cho một khách hàng là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, do tắc đường, bà đã không thể đến sớm để chuẩn bị mọi thứ.

“Khi đến nơi, tôi hết sức ngạc nhiên khi cô ấy đã sắp đặt toàn bộ, và mọi chuyện ra suôn sẻ. Thậm chí cô ấy còn có một vài ý tưởng giúp công việc diễn ra dễ dàng hơn tôi vẫn làm”, bà Brown-Tatums cho biết.

Nói cách khác, những nhân viên biết phản ứng linh hoạt và hỗ trợ cho cấp trên trong những trường hợp tương tự đều có khả năng thăng tiến. Một cách làm lợi cả đôi đường.

2. Ham học hỏi

Không phải ai cũng có may mắn gặp được tình huống thuận lợi như trên để thể hiện năng lực với cấp trên. Trong trường hợp này, hãy thử bài học từ Zaakirah Rossier, một nhân viên thực tập mới được nhận vào làm nhân viên chính thức ở công ty phát triển ứng dụng Problemio.com của ông Alex Genadnik.

“Ban đầu, cô ấy cho thấy là một người sử dụng rất tò mò, ham tìm hiểu đối với các ứng dụng của chúng tôi”, ông Genadnik nói. “Vì vậy, tôi đã giao cho cô ấy một số nhiệm vụ có thật để cô ấy có thể học được từ thực tế”. Sau đó, Rossier đã cho ông Genadnik thấy những kết quả tuyệt vời, và cô được công ty chính thức nhận vào làm.

3. Luôn thể hiện niềm đam mê

“Một trong những nhân viên của chúng tôi ban đầu làm việc ở mảng thực thi phần mềm. Anh ấy rất hiểu biết và có niềm đam mê lớn với thị trường này đến nỗi, chúng tôi quyết định chuyển thẳng anh ấy sang bộ phận bán hàng”, ông Rob Bernshteyn, CEO của Coupa.com, một công ty phát triển phần mềm, kể lại. Vài tháng sau đó, nhân viên này được ghi nhận là một “siêu sao”, một “vũ khí bí mật” ở mảng bán hàng của công ty.

Nếu bạn muốn có được thành công giống như nhân vật này, hãy luôn thể hiện niềm đam mê và gắn bó với công việc. Thay vì đợi được chỉ bảo hoặc yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ, hãy sử dụng tích cực các kỹ năng bạn có để giúp công ty phát triển. Khi bạn càng có giá trị đối với công ty, thì cơ hội thăng tiến của bạn càng rộng mở.

4. Trở thành người quan trọng trong một mảng nào đó

Nhân viên bán hàng của công ty phần mềm trong câu chuyện nói trên thậm chí còn đạt được những “kết cục có hậu” hơn. Vài tháng sau đó, bất kỳ ai trong nhóm bán hàng của công ty cũng tìm đến anh để đề nghị được giúp đỡ.

Tuy nhiên, theo lời kể của CEO Bernshteyn, nhân viên này không giữ khư khư bí quyết hay kinh nghiệm cho riêng mình, anh cũng không cố gắng tìm kiếm một vị trí quản lý. Thay vào đó, anh trở thành một người mà khi có vấn đề cần hỏi, các đồng nghiệp lại tìm đến.

Khi ông Bernshteyn cần tìm một nhân vật để đứng đầu cả nhóm bán hàng, đương nhiên nhân viên nói trên được chọn. “Anh ấy không chỉ có thành tích cá nhân mà trên thực tế đã là một nhân vật quan trọng của nhóm. Nhờ đó mà anh ấy được chọn là người dẫn đầu”, ông Bernshteyn giải thích.

5. Làm công việc mà bạn thực sự muốn làm


Đây chính là lời khuyên cơ bản cho những ai muốn được thăng chức. Đừng đợi điều đó tự đến với mình. Hãy tiến lên và đưa mình vào vai trò đó. Ông Bernshteyn kể rằng, ông đã làm như vậy và được thăng chức trong thời gian làm việc ở hãng tư vấn Accenture. Khi đó, ông đã luôn tìm cách để được làm những nhiệm vụ của vị trí công việc mà ông muốn đạt tới.

“Khi công ty nhìn thấy bạn trong vai trò đó, họ sẽ cảm thấy không có rủi ro gì khi giao cho bạn một công việc mà bạn đã quen thuộc”, Bernshteyn nói. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét