Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

10 sai lầm lớn nhất của nhân viên mới

Ngày đầu tiên tới làm việc ở một công ty mới thường khiến bạn có cảm giác hưng phấn xen lẫn một chút lo lắng. Chỉ vài tuần sau, bạn bắt đầu ổn định và cảm thấy thoải mái hơn, nhưng đó lại chính là lúc bạn dễ dàng mắc sai lầm.
Đến lúc này, bạn có thể trở nên bất cẩn hơn và phạm phải những sai lầm không chỉ có khả năng làm phật lòng các đồng nghiệp và sếp, mà thậm chí khiến bạn trở thành một kẻ thích làm phiền, nói năng vô căn cứ, hoặc vô giá trị… trong mắt người khác.
00-9ff09-1

Để tránh những kết cục không mong muốn này, hãy tránh mắc phải 10 sai lầm dưới đây khi bạn là một nhân viên mới:
1. Nói “tôi biết” quá nhiều
Nhà tuyển dụng chọn bạn vì họ tin rằng bạn đủ khả năng để làm công việc đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các đồng nghiệp muốn nghe bạn nói câu “tôi biết” suốt ngày, hoặc tệ hơn là bạn đảo mắt kiêu kỳ và nói “tôi biết” khi họ cố gắng đưa ra cho bạn một lời khuyên hữu ích. Mỗi khi nhận được lời khuyên, hãy nói câu “cảm ơn”. Nếu bạn đã nhận được lời khuyên đó từ trước và cảm thấy không muốn nghe thêm nữa, hãy nói đại loại như: “Cảm ơn anh/chị. Anh A và chị B đã đề cập tới vấn đề này và tôi thấy đây đúng là một vấn đề quan trọng”.
2. Buôn chuyện
Có những câu chuyện phiếm tưởng như vô hại, chẳng hạn “Cậu có biết ‘sao’ A mặc gì hôm đó không? Thật là kinh khủng!” Tuy nhiên, nếu tham gia vào những câu chuyện như thế, đồng nghiệp có thể nhìn nhận bạn như một người thích “buôn chuyện”. Mặc dù “buôn chuyện” đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống công sở, việc bạn tham gia ngay từ những ngày đầu có thể trở thành vũ khí để người khác chống lại bạn.
Khi sếp hỏi một đồng nghiệp về việc bạn làm việc thế nào, chắc chắn bạn muốn đồng nghiệp đó nói bạn tập trung vào công việc, thay vì những chủ đề bàn tán về người này người khác trong giờ giải lao.
3. Không biết gì về cấp trên
Nhiều người cho rằng, việc tìm hiểu về cấp trên là nhằm mục đích “nịnh bợ”. Tuy nhiên, việc bạn thể hiện sự tôn trọng đối với lãnh đạo và đồng nghiệp giỏi là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là bạn đã tìm hiểu và đánh giá cao những thành tích mà họ đã đạt được. Nói cách khác, khi gặp cấp trên hay những nhân vật xuất sắc trong công ty, đừng chỉ nói mỗi câu “xin chào” mà không nhấn mạnh đại loại như “tôi biết là anh/chị đã dẫn đầu một dự án lớn vào năm ngoái. Tôi rất muốn được làm việc cùng và học hỏi từ anh/chị”.
4. Dành nhiều thời gian công sở cho công nghệ
Ngày nay, dân công sở phụ thuộc ngày càng nhiều vào điện thoại thông minh và Facebook trong thời gian làm việc. Đến một lúc nào đó, bạn cũng như vậy ở công ty mới. Nhưng trong những tháng đầu tiên đi làm, bạn thậm chí không nên gửi tin nhắn trên điện thoại trong giờ làm việc hay kiểm tra Facebook. Nếu làm vậy, bạn sẽ không nhận được đánh giá tích cực từ cấp trên và đồng nghiệp, chẳng hạn bạn sẽ bị coi là kém chín chắn và lười nhác. Hãy giải thích để người thân và bạn bè hiểu rằng, bạn sẵn sàng liên lạc với họ ngoài giờ làm việc.
5. Phong cách thời trang gây “nhức mắt”
Bạn được tuyển vào công ty với mái tóc đen, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên xuất hiện sau 3 tuần làm việc đầu tiên với mái tóc vàng chóe. Bạn cũng cần tránh có hình xăm ở những nơi dễ nhận thấy, trang sức rườm rà, hay những trang phục khiến người khác cảm thấy sự thay đổi bất ngờ. Sếp mới sẽ cảm thấy không vui khi bạn có phong cách thời trang “khó hiểu”, không phù hợp với văn hóa công ty. Họ muốn dành thời gian để đào tạo, huấn luyện bạn cho công việc mới, thay vì nói với bạn rằng, kiểu tóc của bạn khiến khách hàng “chết khiếp”.
6. Không chịu ghi chép
Nhiều người tin là mình có trí nhớ “siêu phàm”, có thể ghi nhớ mọi chi tiết, và có thể bạn là một người như thế. Tuy nhiên, kiểu gì bạn cũng có lúc đãng trí, và nếu không chịu ghi chép, bạn có thể khiến đồng nghiệp và sếp phải bực mình. Khi bạn hỏi một đồng nghiệp hay sếp rằng: “Trong cuộc họp hôm nay anh/chị đã nói gì ấy nhỉ? Tôi không nhớ”, có nghĩa là bạn đã “vẽ” thêm việc cho người đó. Thậm chí, bạn còn bị “gắn mác” là một thính giả tồi.
7. Đi muộn, về sớm
Mỗi sáng, bạn nên đến sớm hơn giờ làm việc 10-15 phút để đủ thời gian dùng một tách cà phê và nghỉ ngơi đôi chút trước khi bắt tay vào công việc. Bạn sẽ hiện lên với một hình ảnh vô tổ chức nếu “đâm bổ” vào bàn làm việc đúng giờ, hoặc tệ hơn là muộn. Cuối ngày, bạn không nên ra về ngay khi đồng hồ báo hết giờ. Thay vào đó, hãy dành thời gian để sắp xếp bàn làm việc cho ngày mai và đảm bảo rằng mình không để lại một khối lượng công việc lớn trong ngày chưa được hoàn thành.
8. Từ chối các cuộc vui với đồng nghiệp
Là nhân viên mới, bạn không nên bỏ qua các cuộc tụ tập vui vẻ hay ăn trưa cùng với các đồng nghiệp. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị họ đánh giá là không có tinh thần đồng đội. Lưu ý, bạn có thể lắng nghe đồng nghiệp chia sẻ một vài thông tin về đời sống cá nhân của họ trong những dịp như vậy, nhưng tránh kể quá nhiều về mình. Nếu không, bạn sẽ sớm trở thành một chủ đề cho các cuộc “buôn chuyện” ở công sở.
9. Nói quá nhiều về các thành công trong quá khứ
Không có gì là sai nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh mình là một cá nhân tài năng, nhưng bạn sẽ bước đi trên một ranh giới mong manh nếu bạn là nhân viên mới. Khoe khoang quá nhiều về những thành tích bạn đã đạt được trước kia có thể khiến đồng nghiệp và sếp cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí cho rằng, bạn là “thùng rỗng kêu to”, “nổ như lựu đạn”, “chém gió phần phật”… Tốt hơn hết, chỉ kể về những thành tích đó khi bạn đã thiết lập được một vị trí vững chãi và quan hệ tốt với các đồng nghiệp khác.
10. Không chịu giao tiếp bằng ánh mắt và mỉm cười
Chuyện này tưởng như nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một nhân viên mới ngay từ ngày đầu tiên. Đừng quên nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện, mỉm cười và nói câu “xin chào” để tạo điểm nhấn thân thiện. Những chi tiết nhỏ này sẽ đem đến hiệu quả lớn cho bạn, tạo cho bạn một hình ảnh dễ hòa đồng, chuyên nghiệp và trưởng thành.

Tâm sự chủ quán net với khách hàng nải chuối...

Khách hàng của những tiệm net hiện nay 98% đều là thiên tài, bật máy ko biết, bật chương trình gõ tiếng Việt ko biết, vào game ko biết thoát ra, sever bảo trì thì nói máy có vấn đề. Bố mày rất muốn một tay bóp chết chúng mày, bóp chết rồi vò thành một đống, rồi quăng vào dầu sôi chiên, sau đó dùng chân đạp cho nhuyễn ra.

Chat voice ko biết bật mic, nói headphone hỏng rồi.
Xem phim thì chê không có lồg tiếng Việt.
Hỏi tôi “Có phim ấy không?”, tôi nói không, nó chê phim không được đầy đủ

Y!M đăng nhập ko đc nói máy lởm! Chạy qua xem hóa ra đăng nhập pass ko đúng, con bé đó còn hỏi tôi pass bao nhiêu.
Có con bé kia còn lợi hại hơn, tiếp nhận webcam của một người chat lạ nào đó, gọi tôi qua, hỏi người trong webcam là ai!! oày tôi có bản lĩnh đấy à  
Bắn CS người khác ném bom khói, anh chàng dính nguyên quả, hét to: máy bị đơ rồi.
73745.jpg (500×379)
Hôm trước có con bé hỏi tôi chat Y!M làm sao đánh chữ có dấu, tôi hỏi: “Em ko biết đánh chữ à?” Em ấy bảo: “Biết”.Tôi nói: “Vậy em cứ thế mà đánh” (đồng thời giúp nó bật Unikey lên), một lúc sau lại gọi tôi, nói: “Anh quản lý, sao đánh chữ ko được?”. Tôi hỏi “Em đánh chữ gì ko được?”, nó bảo “anh đánh giùm chữ Chào Bạn”, tôi giúp nó đánh xong. Sau đó mấy bác biết nó nói gì ko ?? “Đừng đi, ngồi đây giúp em đánh chữ”. tướng mạo thì y chang con khủng long.
Hôm nay có anh chàng hỏi tôi, “Quản lý! sao ở đây tôi ko có vcoin nhỉ? giúp tôi down một ít về”… , cái đó mà có thể down về thì cần gì đi làm nữa…
- Mất điện ngồi với vợ con đang ăn cơm ngon lành, 1 lũ nhóc chóc đi học buổi chiều chạy vào, anh ơi! em chơi điện tử , bố cắm vào ..ít để có điện cho chúng mày chơi ah? ngoài cửa tao đã treo bảng mất điện rồi cơ mà.
- 2 thằng đi 2 đôi dép bánh mì, gần giống nhau, lúc ra 2 thằng giành nhau đôi mới hơn 1 tí, cãi ko lại lại gọi anh ra “anh ơi, đôi dép này của em, ko, dép đó mới là của em.” bố bọn mày đi chân ko về đi, tao rỗi lắm đi làm bao công cho bọn mày hả?

- 2 thằng dân tộc vào quán chát, nó bảo mình mở chat cho nó, mình hỏi có nick chưa, nó nói có thế là cứ để nó đánh, ngồi mãi thấy nó cứ hí hoáy loay hoay, ko biết vì sao, chút nó gọi ” anh ơi”, xuống mới thấy Nick thì nó ghi họ và tên nó, pass thì nó nói nó ghi ngày tháng năm sinh nó?, bố chúg mày, đây là quán nét chứ có phải đồn công an đâu mà mày khai lí lịch
Hồi mấy năm trc ngồi trông hàng cũng dính mấy vụ ấy. nào là máy khách chạy đi mua thuốc mà cứ có thằng đòi ngồi vào nói kiểu j cũng ko nghe, còn chửi mình là coi thừơng khách rồi $ các kiểu. rồi thì có ông đi vào ngồi bắn CS cầm chuột = 2 tay rồi hỏi cách nhảy với cả cách đi.

-Nhưng tởm nhất vẫn là vụ có bố chơi AU nhảy nhót tít mù rồi đập rầm 1 cái văng cả phím cách và buông 1 câu. ĐM trượt “phi-lít” nản

-Đứa thì đeo headphone của thằg máy bên cạnh rồi hỏi: “Nhạc j nghe tiếng súng ko vậy anh, em nhớ bài này đâu phải vậy?” (thằng kế bên đang bắn CF ạ).

Bựa nhất là có 1 chị mặt cũng sáng láng mà vào xem ***, cả hàng net cười vật vã mà ko thấy nhục, mình pm tế nhị: “chị ơi đừng xem phim, lag lắm, ng khác ko chơi game đc” mà vẫn trơ trơ, tắt ứng dụng 5 lần thì bà ta mở lại đúng 5 lần, cuối cùng ức chế (ko ngờ người ức chế lại là mình) tắt luôn máy, chị ta ngồi luôn 10′ mới mò ra tính tiền… hết ý thật

-Mình vẫn buồn cười cái hồi Mu Hà Nội mới ra có quán game ở chợ Ngọc Hà hồi đó là quán game offline , mình vẫn thường ra đó đánh đế chế với mấy anh và mấy đứa bạn , sau khi có Mu Hà Nội , quán đó treo cái biển to tướng : “Ngày mai có Mu Hà Nội ” . Hôm sau mình ra , thấy cả quán đang tíu tít hỏi nhau : ” Ơ sao ko chơi được nhỉ / Thử bỏ đóng băng ổ cứng xem / Sao toàn ngắt kết nối với máy chủ nhỉ / Anh Tùng xem lại máy chủ xem có bị gì ko / bla bla bla … ” Ông Tùng chủ quán : ” Có bị gì đâu , vẫn vào được mấy game khác đều đều mà , hôm qua anh vừa kiếm tra máy xong , làm gì có , hay nhìn xem có đứt cái dây nối mạng Lan ko ” Mình đang chả hiểu chuyện gì xảy ra thì thằng bạn nhìn liếc qua cái máy chủ hàng , thốt câu rõ to : ” Làm * có mạng mà kết với chả nối ”

-Lúc mở phòng net thằng bạn khuyên đừng cho ai vào toilet nhà (tại mở ở nhà), tôi ko nghe,kết quả đây:*diana,whisper…”có nhuộm màu” 1 ngày xuất hiện tầm 6,7 cái

*Cửa phòng vệ sinh phải thay 3 lần vì ko chịu nổi vô ảnh cước của bọn nam sinh.

*Về chửi tục thì: lớp 9< lớp 8 < lớp 7 và ko phân biệt nam nữ luôn, vậy là hiểu hs bây h ntn.

*Vào chơi game thì canh lúc phòng net full máy, gửi xe vào đứng 1 lát rồi chuồn trước khi có máy, chiều đi học xong ra hồn nhiên lấy xe: tiết kiệm 2000-Tôi làm ở gần trường học, ngày thường rất đắt khách, hè và thi học kỳ thì ngồi ngáp. Nhưng tuyệt đối: ko đánh khách, chửi khách cho dù là học sinh đi nữa, vì khách hàng nuôi mình mà, phải chịu thôi, trừ khi gặp ăn cắp thì đấm.



Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Rèn luyện kỹ năng tự học - Kế hoạch học tập

Nhiều sinh viên cho rằng chỉ cần cố gắng học là có thể đạt kết quả tốt, nhưng thật ra, học ở ĐH khác với học ở trung học rất nhiều, và biết cách học có hiệu quả ở ĐH là một điều quan trọng mà có khi chưa được chú ý đúng mức.
Hệ quả của phương pháp học không tốt là lãng phí thời gian, thành tích học tập kém, thậm chí thi rớt dẫn đến chán nản, thất vọng và bất mãn.  
Học đối với SV là cuộc sống, là tương lai. Vậy nên thời gian học tập vô cùng quý giá, không thể lãng phí được. Do đó, ngay ngày hôm nay, các bạn hãy tạo và phát triển nơi mình một kĩ năng học tập có hiệu quả. 
1/ Lập kế hoạch học tập là điều cần thiết:
Trước khi làm bất cứ chuyện gì, nên lập kế hoạch. Nếu không có kế hoạch thì không làm chủ được thời gian, nhất là khi có điều gì bất trắc xảy đến. Một kế hoạch học tập tốt cũng giống như chiếc phao cứu hộ vậy. Mỗi người, tùy vào nhu cầu của mình, sẽ lập một kế hoạch học tập riêng, kế hoạch đó có thể thay đổi khi cần, nhưng điều quan trọng là phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra.
2/ Kế hoạch học tập giúp quản lý thời gian:
lập kế hoạch
Bất cứ ai cũng có 168 giờ mỗi tuần, nhưng có người sử dụng quỹ thời gian đó có hiệu quả hơn người khác. SV có rất nhiều thứ để làm, bạn hãy liệt kê tất cả công việc cho từng ngày ( ngủ, chưng diện, đi lại, ăn uống, kiếm tiền, đi chơi, tham gia công tác đoàn thể, xã hội, thể thao…) sau đó, nếu bạn thấy còn ít hơn 30 giờ mỗi tuần để tự học thì bạn hãy kiểm điểm lại xem tại sao mình phí thời gian như vậy.
3/ Học ở đâu:
Bạn có thể học ở bất kỳ nơi nào, mặc dù rõ ràng có một số nơi thuận lợi hơn cho việc học. Thư viện, phòng đọc sách, phòng riêng là tốt nhất. Quan trọng là nơi đó không làm phân tán sự tập trung của bạn. Cho nên hãy làm cho việc lựa chọn nơi học thích hợp trở thành một phần của thói quen học tập của bạn.
4/ Khi nào nên học tập:
Nói chung chỉ nên học lúc chúng ta thoải mái, minh mẫn, vào đúng khoảng thời gian đã lên kế hoạch để học. Nguyên tắc là không học trong vòng 30 phút sau khi ăn, và trước khi đi ngủ,không học ngốn vào giờ chót  trước khi đến lớp.
5/ Học cho giờ lý thuyết:
Nếu bạn học trước để chuẩn bị cho giờ lên lớp, cần đọc tất cả những tài liệu, cần đọc trước và ghi chú thích những điểm chưa hiểu. Nếu bạn học sau giờ lên lớp, cần chú ý xem lại những thông tin ghi chép được.
6/ Học cho giờ cần phát biểu, trả bài ( chẳng hạn giờ Ngoại ngữ):
Bạn nên dùng khoảng thời gian ngay trước các giờ học này để luyện tập kỹ năng phát biểu với các học viên khác ( nếu cần). Điều này sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng phát biểu.
7/ Sửa đổi kế hoạch học tập.
Đừng lo ngại khi phải sửa đổi kế hoạch. Thật sự kế hoạch chỉ là cách bạn dự tính sẽ dùng quỹ thời gian của mình như thế nào, cho nên một khi kế hoạch không hiệu quả, ta có thể sửa đổi nó. Nên nhớ rằng, việc lập kế hoạch là giúp bạn có thói quen học tốt hơn và khi đó việc lập kế hoạch sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bạn phải ý thức một sự thật đơn giản là tuân theo đúng kế hoạch học tập đã định là một chuyện rất khó làm, trong khi vỡ kế hoạch là một việc dễ làm nhất trên thế gian này.

Mười câu nói không nên nói trong buổi phỏng vấn xin việc

Trong cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có thể chia sẻ rất nhiều thứ, song có những điều tuyệt đối bạn không nên nói ra. Bởi nếu nói ra, bạn sẽ có thể bị loại ngay từ vòng phỏng vấn.
Lương chính là con dao 2 lưỡi


Lương chính là con dao 2 lưỡi khi phỏng vấn
 1. Mức lương cho công việc này là bao nhiêu?
Bạn nên hiểu mức lương được trả với đúng khả năng làm việc, đợi đến khi làm được việc hãy nói. Đề cập đến chuyện lương thưởng trong buổi gặp gỡ đầu tiên là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt khi bạn đang đi xin việc. Bởi điều đó cho thấy điều bạn quan tâm nhất với công việc này là bao nhiêu tiền mà thôi.

 2. Chê bai sếp cũ
Nếu bạn liên tục chê bai sếp cũ là bất tài, ngốc nghếch ngay trong cuộc phỏng vấn xin việc có thể khiến nhà tuyển dụng mới nghi ngại và cho rằng sẽ khó mà quản lý nổi bạn.

 3. Tôi sẽ ngồi vào vị trí của ông/bà trong 5 năm tới
Nếu bạn tỏ ra tự tin khi nói rằng bạn sẽ ngồi vào vị trí của nhà tuyển dụng trong 5 năm tới thì có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn hơi quá tự cao và ngạo mạn. Tự tin là điều tốt, nhưng đừng ngạo mạn quá sẽ khiến người đối diện mất cảm tình với bạn.

 4. Tôi ghét công việc hiện tại
Khi trả lời tại sao bạn lại xin vào vị trí này thì tốt hơn hết bạn nên đề cập đến những điểm hấp dẫn của công việc mới hơn là tỏ thái độ bất mãn, chán ghét với công việc hiện tại. Và khi nói về công việc cũ bạn nên nhấn mạnh đến những kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn đang có sẽ giúp ích gì cho công việc mới hơn là thái độ của bạn ra sao với công việc đó.

 5. Tán tỉnh người phỏng vấn
Nhìn anh/cô tuyệt đấy! Hãy tránh tối đa những câu đại loại như vậy, bởi nó chẳng hề liên quan gì đến những vấn đề đang phỏng vấn mà còn khiến nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đang tán tỉnh hay cợt nhả họ.

 6. Không thừa nhận có khuyết điểm/thiếu sót
Nếu bạn trả lời rằng tôi không có bất kỳ điểm yếu nào khi người phỏng vấn hỏi về những nhược điểm của bạn. Ai cũng có những điểm yếu và bạn cần có sự chuẩn bị để chia sẻ về những điểm yếu đó. Tuy nhiên nên đảm bảo rằng những điểm yếu đó không có ảnh hưởng gì đến công việc. Thừa nhận những sai lầm cũng là cách để bạn cải thiện nó sao cho có hiệu quả hơn trong những lần sau.

 7. Hỏi về những điều tiêu cực của công ty
Những câu đại loại như “tại sao lợi nhuận của công ty ông/bà lại sụt giảm trong 2 quý vừa qua?” không nên nói ra trong buổi phỏng vấn, bởi ở khía cạnh nào đó nó sẽ lái câu chuyện theo chiều hướng tiêu cực. Thay vào đó, bạn nên đặt những câu hỏi trung tính hơn như “Theo ông/bà, thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt thời điểm này là gì?”

 8. Hỏi về mức thưởng trong các kỳ nghỉ?
Những câu hỏi như ‘liệu tôi có được làm việc ở nhà không?” hay “kỳ nghỉ tôi sẽ được thưởng bao nhiêu?” không nên đặt ra khi bạn đang là ứng viên trong vòng phỏng vấn. Những câu hỏi như vậy nên đặt ra sau khi bạn đã được nhận vào hoặc khi nhà tuyển dụng hỏi bạn về động lực làm việc của bạn.

 9. Ông/bà sẽ hối tiếc nếu không thuê tôi.
Nếu bạn tự tin nói rằng “ông/bà sẽ hối tiếc nếu không thuê tôi. Vì tôi là người có đủ tiêu chuẩn nhất cho vị trí này” thì đó là điều sai lầm trừ phi bạn đã nắm được thông tin và đánh giá khả năng của những ứng viên khác. Nhưng điều đó là không thể. Quá tự tin đôi khi cũng gây phản ứng ngược cho người tuyển dụng.

10. Tôi không có câu hỏi gì
Bạn không nên nói ra điều này vì chứng tỏ bạn chưa chuẩn bị gì cho buổi phỏng vấn này hoặc bạn không hứng thú với buổi phỏng vấn. Nên chuẩn bị vài câu hỏi về công ty để tỏ rõ bạn có tìm hiểu kỹ về công ty hoặc hỏi lại người phỏng vấn về những điều đã chia sẻ để chứng tỏ bạn rất tập trung với cuộc phỏng vấn này. Bạn nên hỏi sơ qua về vị trí bạn đang phỏng vấn nếu trúng tuyển: Mức độ, trách nhiệm của công việc.
 

                             CHÚC CÁC BẠN PHỎNG VẤN THÀNH CÔNG

Lao động có kinh nghiệm chật vật tìm việc

Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn thất nghiệp, chị Thúy rất chán nản vì gần 8 tháng trời chưa tìm được công việc và giờ chị đành chấp nhận làm việc bán hàng ở một siêu thị.
Nhiều việc làm Tết hấp dẫn lao động
Xu hướng làm việc tại nhà lên ngôi trong năm 2013
Nhân viên kinh doanh được tuyển nhiều nhất năm nay
Không chỉ sinh viên mới ra trường khó tìm việc mà ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng không dễ tìm việc từ sau Tết đến nay.
Chị Thúy, 27 tuổi ở quận Bình Thạnh, tốt nghiệp Đại học mở bán công TP HCM, nộp hồ sơ vào vị trí nhân viên kế toán tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Cách mạng tháng 8. Thúy cho biết, đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi, nhưng đến nay gần 8 tháng trời Thúy vẫn ở nhà.
Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn... thất nghiệp, do đó nhiều lao động đã không kén việc và chấp nhận làm trái ngành nghề trong thời buổi tìm việc khó khăn.
Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn thất nghiệp, do đó nhiều lao động đã không kén việc và chấp nhận làm trái ngành nghề trong thời buổi tìm việc khó khăn. Ảnh: B.H
Chị tâm sự, cách đây 3 năm đã từng làm kế toán ở một công ty xây dựng, nhưng vì lý do cá nhân nên đành xin nghỉ việc. Trong dịp Tết vừa rồi, Thúy đã tranh thủ làm thêm công việc bán hàng ở các hội chợ để kiếm thêm thu nhập. Thúy nói với giọng buồn: “Giờ không còn sự lựa chọn, nên tôi đành phải làm nhân viên bán hàng ở siêu thị vào tháng 3 này với mức lương cỡ 2 triệu đồng mỗi tháng”.
Tương tự như trường hợp chị Thúy. Anh Chính, 34 tuổi ở quận Tân Bình, đã có bằng Đại học Mỹ thuật và kinh nghiệm làm việc 7 năm, nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được công việc toàn thời gian nào. Anh đã nghỉ việc từ giữa năm 2011 do không phù hợp với chính sách mới của công ty.
Trong quá trình thất nghiệp, anh tìm cách kiếm sống bằng công việc bán thời gian như chụp hình cưới, thiết kế logo cho những người quen, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Anh cho biết có lúc kiếm được khoảng 12 triệu đồng một tháng, nhưng nhiều khi đến cả 2 tháng mà không có lấy một hợp đồng nào. Anh Chính cho biết: “Ngành này chưa chắc nộp đơn xin việc là được nhận ngay mà cần phải quen biết ai đó".
Một trường hợp khác, anh Lâm, 24 tuổi ở quận 5, tốt nghiệp trường cao đẳng công nghệ thông tin, từng làm thiết kế web tại một công ty gỗ hồi đầu năm 2011. Vì Lâm là một trong những người nằm trong danh sách giảm biên chế vào tháng 8/2012, nên anh bị cho thôi việc và nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp.
Sau thời gian ráo riết tìm việc nhưng chờ mãi vẫn không tìm được công việc phù hợp, Lâm đã quyết định mượn tiền từ người thân và bạn bè cùng một chút tiền dành dụm riêng để lập một website chuyên thiết kế web cho những ai có nhu cầu. Anh chia sẻ: “Tôi đã nộp đơn vài chục nơi nhưng nếu họ có đồng ý nhận vào làm thì muốn tôi làm công việc liên quan đến bán hàng”.
Tính đến thời điểm này, anh Sơn, 28 tuổi ở quận 10, đã thất nghiệp được 3 tháng vì công ty thuyên chuyển anh làm bộ phận khác không phù hợp với nghiệp vụ thiết kế. Hiện tại, anh Sơn đã chọn cách làm việc tại nhà bằng việc nhận hợp đồng thiết kế từ mối quen hoặc từ bạn bè.
Tuy nhiên, anh nói rằng hợp đồng lúc có lúc không nên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh. Do đó, anh Sơn sẽ phải cân nhắc việc đi làm xa dù điều kiện và lương bổng không bằng công ty anh đã từng làm.
Thanh Thanh ở Tân Bình, vừa nhận bằng tốt nghiệp cao đẳng kinh tế TP HCM vào giữa tháng 12 năm ngoái, cho biết đã gửi hồ sơ tìm việc vào vị trí nhân viên hành chính qua mạng và trực tiếp, tuy nhiên vẫn chưa doanh nghiệp nào hồi âm.
Thanh cho biết trước khi đi tìm việc em đã học thêm các khóa về kỹ năng mềm, nhưng không hiểu sao khi phỏng vấn vẫn không trúng tuyển. Thanh chia sẻ có lẽ phải bắt chước mấy bạn học nộp đơn vào làm nhân viên tiếp thị, bán hàng thì mới có cơ may tìm một công việc ở thời điểm này.
Đại diện một trang web tuyển dụng việc làm tại TP HCM cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thị trường lao động thu hẹp là nguyên nhân khiến người tìm việc khá chật vật để có công việc phù hợp với ngành được đào tạo. Theo vị này, một lý do khác nữa là doanh nghiệp muốn tiết kiệm, cắt giảm ngân sách nên họ không tuyển thêm người mà tận dụng những nhân viên cũ và đa nhiệm một số công việc.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc hướng nghiệp và dạy nghề - giới thiệu việc làm thanh niên cho biết mỗi đơn vị có cách tuyển dụng khác nhau, tùy theo điều kiện cũng như yếu tố của từng đơn vị mà họ có cách chọn người.
Theo ông Sang, hiện nay các ngành thương mại, dịch vụ cần lực lượng lao động nhiều hơn các ngành kế toán, hành chính nhân sự. Lý giải điều này, ông nói rằng doanh nghiệp hiện nay muốn tập trung nhiều vào việc bán hàng cũng như muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới nhiều hơn.

Cẩm nang cho những người muốn thăng tiến

- Được cấp trên tin tưởng và có cơ hội được đề bạt lên những vị trí cao hơn là mong muốn của hầu hết tất cả mọi người. Nhưng trên thực tế, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu bạn muốn được thăng tiến, hãy nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của chính nhà quản lý của bạn. Giả sử bạn được bổ nhiệm vào một vị trí cao hơn, điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với phòng ban của bạn nói riêng và cả công ty nói chung? Một khi sếp đề bạt bạn, nếu bạn gây ra sai lầm nào đó, thì sếp sẽ là người gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, cách khôn ngoan nhất để được thăng tiến là hãy sử dụng những thành tích mà bạn có để cho sếp thấy, sếp sẽ được những gì khi cất nhắc bạn lên một vị trí cao hơn.

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn được cất nhắc, do chính các nhà quản lý tiết lộ:

1. Nỗ lực ở những thời điểm mà sếp không làm được công việc nào đó

Bà Crystal Brown-Tatums, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Crystal Clear Communications, đã cất nhắc một nhân viên nữ trẻ tuổi lên một vị trí cao hơn sau khi nhân viên này hỗ trợ đắc lực cho bà trong một trường hợp bà gặp sự cố. Hôm đó, công ty của bà Brown-Tatums tổ chức một buổi đào tạo rất quan trọng cho một khách hàng là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, do tắc đường, bà đã không thể đến sớm để chuẩn bị mọi thứ.

“Khi đến nơi, tôi hết sức ngạc nhiên khi cô ấy đã sắp đặt toàn bộ, và mọi chuyện ra suôn sẻ. Thậm chí cô ấy còn có một vài ý tưởng giúp công việc diễn ra dễ dàng hơn tôi vẫn làm”, bà Brown-Tatums cho biết.

Nói cách khác, những nhân viên biết phản ứng linh hoạt và hỗ trợ cho cấp trên trong những trường hợp tương tự đều có khả năng thăng tiến. Một cách làm lợi cả đôi đường.

2. Ham học hỏi

Không phải ai cũng có may mắn gặp được tình huống thuận lợi như trên để thể hiện năng lực với cấp trên. Trong trường hợp này, hãy thử bài học từ Zaakirah Rossier, một nhân viên thực tập mới được nhận vào làm nhân viên chính thức ở công ty phát triển ứng dụng Problemio.com của ông Alex Genadnik.

“Ban đầu, cô ấy cho thấy là một người sử dụng rất tò mò, ham tìm hiểu đối với các ứng dụng của chúng tôi”, ông Genadnik nói. “Vì vậy, tôi đã giao cho cô ấy một số nhiệm vụ có thật để cô ấy có thể học được từ thực tế”. Sau đó, Rossier đã cho ông Genadnik thấy những kết quả tuyệt vời, và cô được công ty chính thức nhận vào làm.

3. Luôn thể hiện niềm đam mê

“Một trong những nhân viên của chúng tôi ban đầu làm việc ở mảng thực thi phần mềm. Anh ấy rất hiểu biết và có niềm đam mê lớn với thị trường này đến nỗi, chúng tôi quyết định chuyển thẳng anh ấy sang bộ phận bán hàng”, ông Rob Bernshteyn, CEO của Coupa.com, một công ty phát triển phần mềm, kể lại. Vài tháng sau đó, nhân viên này được ghi nhận là một “siêu sao”, một “vũ khí bí mật” ở mảng bán hàng của công ty.

Nếu bạn muốn có được thành công giống như nhân vật này, hãy luôn thể hiện niềm đam mê và gắn bó với công việc. Thay vì đợi được chỉ bảo hoặc yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ, hãy sử dụng tích cực các kỹ năng bạn có để giúp công ty phát triển. Khi bạn càng có giá trị đối với công ty, thì cơ hội thăng tiến của bạn càng rộng mở.

4. Trở thành người quan trọng trong một mảng nào đó

Nhân viên bán hàng của công ty phần mềm trong câu chuyện nói trên thậm chí còn đạt được những “kết cục có hậu” hơn. Vài tháng sau đó, bất kỳ ai trong nhóm bán hàng của công ty cũng tìm đến anh để đề nghị được giúp đỡ.

Tuy nhiên, theo lời kể của CEO Bernshteyn, nhân viên này không giữ khư khư bí quyết hay kinh nghiệm cho riêng mình, anh cũng không cố gắng tìm kiếm một vị trí quản lý. Thay vào đó, anh trở thành một người mà khi có vấn đề cần hỏi, các đồng nghiệp lại tìm đến.

Khi ông Bernshteyn cần tìm một nhân vật để đứng đầu cả nhóm bán hàng, đương nhiên nhân viên nói trên được chọn. “Anh ấy không chỉ có thành tích cá nhân mà trên thực tế đã là một nhân vật quan trọng của nhóm. Nhờ đó mà anh ấy được chọn là người dẫn đầu”, ông Bernshteyn giải thích.

5. Làm công việc mà bạn thực sự muốn làm


Đây chính là lời khuyên cơ bản cho những ai muốn được thăng chức. Đừng đợi điều đó tự đến với mình. Hãy tiến lên và đưa mình vào vai trò đó. Ông Bernshteyn kể rằng, ông đã làm như vậy và được thăng chức trong thời gian làm việc ở hãng tư vấn Accenture. Khi đó, ông đã luôn tìm cách để được làm những nhiệm vụ của vị trí công việc mà ông muốn đạt tới.

“Khi công ty nhìn thấy bạn trong vai trò đó, họ sẽ cảm thấy không có rủi ro gì khi giao cho bạn một công việc mà bạn đã quen thuộc”, Bernshteyn nói. 

Bạn đã chọn nhầm việc?

(Dân trí) - Cố gắng bám trụ với một công việc không phù hợp có thể sẽ dẫn tới những hậu quả không mong muốn, như năng suất làm việc giảm và cảm giác bất mãn hàng ngày. Nhưng làm thế nào để biết công việc bạn đang làm có phù hợp hay không?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dưới đây là 10 dấu hiệu bạn đã chọn nhầm việc để làm:

1. Bạn phàn nàn về công việc của mình với mọi người

Chắc chắn, công việc bạn đang làm không phù hợp với bạn nếu bạn cảm thấy khó chịu và chán nản đến nỗi kể với tất cả mọi người về những trải nghiệm tiêu cực của bản thân. Bạn sẽ nói với bạn bè rằng bạn không ưa đồng nghiệp hoặc đang làm một công việc vô nghĩa.

2. Bạn xem công việc như một “điệp khúc” nhàm chán

Nếu bạn không tìm được niềm vui trong công việc, rốt cục bạn sẽ nhận thấy công việc của mình như một “điệp khúc” việc nhà buồn tẻ lặp đi lặp lại mỗi ngày, chẳng khác gì việc rửa bát hay giặt quần áo. Mọi người chỉ làm việc nhà vì họ bắt buộc phải làm, và nếu bạn chỉ đi làm vì bắt buộc phải đi, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm một công việc khác. Nếu bạn càng ở lâu với công việc mà mình không thích, rốt cục bạn sẽ có thái độ xấu và bị sa thải.

3. Bạn có thể không bao giờ được trả lương đủ cao để yêu thích công việc

Khi bạn cảm thấy không vui với công việc, cho dù bạn nhận được mức lương là bao nhiêu, thì đó cũng là một dấu hiệu bạn nên tìm việc khác. Những nhân viên yêu công việc thường làm việc quên thời gian, vui vẻ với đồng nghiệp và phấn đấu để được trả lương cao hơn và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn.

4. Bạn thường xuyên xem đồng hồ trong giờ làm việc

Nếu bạn thường xuyên mất tập trung, không chú ý vào công việc, đó là một dấu hiệu xấu. Nhiều người thường xuyên ở trên Facebook hoặc chat chit với bạn bè thay vì làm việc. Có thể họ vẫn hoàn thành công việc, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn vì xao nhãng. Những nhân viên yêu công việc không dễ mất tập trung như vậy.

5. Bạn không bao giờ vượt qua mô tả công việc của mình


Nếu bạn không thúc đẩy bản thân nhận thêm nhiệm vụ, thì có lẽ bạn không thực sự quan tâm tới công việc hay công ty của mình. Những nhân viên hứng thú với công việc thường đề nghị được giao thêm nhiệm vụ để được tăng lương và có cơ hội thăng tiến. Nếu bạn không làm điều đó, thì bạn đi làm chẳng qua cũng chỉ để có lương.

6. Bạn lảng tránh mọi hoạt động của công ty

Nếu công ty tổ chức một bữa tiệc hay một trận thi đấu thể thao, mà bạn đều viện cớ để không tham gia, thì đó là một tín hiệu bạn “ghét” công việc mà bạn đang làm. Các nhân viên thích tham gia vào các hoạt động ngoài lề với các đồng nghiệp thường yêu thích công việc và gắn bó với công ty hơn.

7. Bạn đang tìm kiếm công việc khác

Nếu bạn thường xuyên lướt các trang việc làm, thì bản thân bạn đã biết là bạn đang cần tới một sự thay đổi. Những người yêu công việc của họ có thể cởi mở với những cơ hội việc làm mới, nhưng không chủ động tìm kiếm những cơ hội đó.

8. Bạn không giới thiệu công ty của bạn với bất kỳ ai

Những nhân viên yêu việc thường giới thiệu về công ty của mình với bạn bè, người thân, người quen… Nếu như bạn không hứng thú với công việc và công ty của mình, bạn thường có xu hướng không nói gì về chuyện đó và cũng không thích giới thiệu người khác vào làm cùng.

9. Bạn không học thêm điều gì mới và cảm thấy bế tắc

Nhiều người không chịu tạo ra thách thức cho mình trong công việc, thậm chí thể hiện chây ì, chậm tiến. Rốt cục, những người như vậy sẽ cảm thấy bế tắc và muốn tìm một công việc khác.

10.  Bạn xấu hổ vì công việc của mình

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ về công việc của mình, rốt cục bạn sẽ không còn muốn nhắc đến nó. Đó là một tình huống xấu vì mọi người xung quanh bạn sẽ cảm thấy điều gì đó bất thường khi bạn né tránh những câu hỏi liên quan tới công việc.

Lời khuyên của chuyên gia “săn đầu người”


Trong các chiến lược tuyển dụng nhân sự, không thể không nhắc đến vai trò của các chuyên gia “săn đầu người”. Họ là người có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình tuyển dụng nhân lực của công ty. Một chuyên gia giỏi luôn giúp công ty tìm được những nguồn nhân lực tốt nhất. Và một trong số những chuyên gia săn đầu người uy tín trên thế giới đó là David Thomson. Từ năm 1999 đến nay David là chủ tịch điều hành của Directorship, công ty chuyên về tuyển dụng và tư vấn quản trị doanh nghiệp. David còn là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành quản trị và tuyển dụng.
Triết lý tuyển dụng của David là “Công ty sẽ thành công nếu mọi nhân viên trong công ty đều có đầy đủ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu”. Các nhà tuyển dụng luôn con trọng khả năng làm việc của các nhân viên. Theo David thì một sản phẩm được làm ra sẽ chỉ hoàn hảo nếu do những “người thợ” thật sự lành nghề làm ra bằng cả tài năng và tâm huyết của mình.


David cùng một số chuyên gia săn đầu người khác đã có những lời khuyên giá trị gửi đến giới trẻ trên đường khởi nghiệp cũng như để được tuyển dụng vào những công ty tốt.

1. Những điều nên và không nên khi đi xin việc:

*) Nên:
§ Ngoại hình trang nhã, đầu tóc gọn gàng, áo quần lịch sự nhưng không lòe loẹt, quá sang trọng, trang điểm vừa phải. Mặt mũi tươi, luôn mỉm cười. Nhìn thẳng vào nhà  tuyển dụng , dù họ là ai.

§ Hỏi những câu cần hỏi. Cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà tuyển dụng . Xin phép ghi vào sổ tay những điều căn dặn.

§ Nghe chăm chú những điều nhà tuyển dụng đang nói. Lúc đang trao đổi, đột nhiên có điện thoại, nghe xong nhà  tuyển dụng hỏi chúng ta đang nói đến đâu rồi nhỉ, thì cần nhắc lại ngay.

§ Tỏ ra có thiện chí và sẽ làm mọi việc được giao. Trình bày một số kinh nghiệm của bản thân.

*) Không nên:

§ Đến sớm quá 5 phút, chậm quá 5 phút.

§ Bắt tay quá nồng nhiệt dễ gây khó chịu cho người tiếp xúc ban đầu.

§ Nhìn đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường.

§ Nói rằng đây là cuộc gặp gỡ duy nhất.

§ Liếc đọc các tài liệu trên bàn.

§ Nói xấu những bạn cũ.

§ Nói chuyện chính trị.

§ Tỏ vẻ giỏi mọi thứ hoặc hoài nghi mọi người.

§ Tỏ vẻ làm việc không vì sinh kế mà vì ham hiểu biết.

§ Nói rằng có thể nhận lượng ít cũng được, vì như vậy người ta sẽ nghi ngờ khả năng của bạn.

§ Tiết lộ các thông tin mật về cơ quan cũ.

§ Nói dài dòng về việc riêng.

§ Luôn trả lời "vâng" hoặc "không ạ".

§ Nói khoác làm người ta thiếu tin tưởng.


2. Một số sai lầm nên tránh lúc đi xin việc

Lần đầu đi xin việc bao giờ cũng có nhiều ngỡ ngàng và mắc rất nhiều lỗi lầm ngớ ngẩn. Nếu bạn muốn có được công việc tốt, bạn cần phải biết rõ và tránh một số tình huống hay gặp phải sai lầm sau đây:
*) Thiếu sự chủ động khi xin việc: Bạn không nên nhờ người quen giúp hay nhờ các quảng cáo mà hãy tiếp xúc hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến phòng quản lý nhân sự của công ty muốn xin việc để biết đường gửi những lá đơn hay hỏi về các cơ hội có việc làm.

*) Nộp đơn chậm trễ: Kể từ khi có thông báo tuyển dụng, hãy cố gắng nộp đơn càng sớm càng tốt. Khi đến để phỏng vấn, bạn không được đến muộn. Trong trường hợp công ty khó tìm thì bạn cần phải tìm đến công ty trước một ngày phỏng vấn nhằm tránh tình trạng nói là mình bị lạc đường hay nhầm địa chỉ.

*) Lý lịch cùng đơn xin việc viết không đầy đủ, không hợp lý:Khi làm đơn bạn cần phải tránh lỗi chính tả, lỗi hành văn thiếu tế nhị, quên ký tên, quên viết số điện thoại để liên hệ… Nếu chữ bạn không gọn gàng, khó đọc thì nên đánh máy.

*) Mặc và trang điểm không phù hợp: Đây là vấn đề tế nhị. Đối với phụ nữ, đừng nên quá cẩn thận hoặc cầu kỳ. Hãy ăn mặc lịch sự. Đàn ông thì dễ dàng hơn, luôn luôn phải mặc quần tây, áo sơ mi, cà vạt, giày cũng nên tươm tất.

*) Đề cao bản thân hay quá khiêm tốn: Đừng nói quá sự thật vì việc này sẽ dễ làm cho nhà 
 tuyển dụng cảm thấy bạn tự cao hoặc không thành thật. Còn nếu quá khiêm tốn sẽ làm nhà tuyển dụng hiểu sai về năng lực thật sự của bạn.

*) Tập trung quá nhiều về vấn đề tài chính: Không nên đòi hỏi ngay những vấn đề lương thưởng khi bạn chỉ là người đến xin việc.

*) Thiếu hiểu biết về công ty và công việc muốn xin: Đây là một lỗi lầm đáng trách. Muốn hiểu rõ, bạn nên làm quen với những người trong công ty để nhờ họ giúp đỡ tìm hiểu công việc. Ngoài ra cần phải điều tra kỹ lưỡng những hoạt động của công ty từ những báo cáo hàng năm hay trên báo chí.

*) Không để ý đến các yêu cầu của công việc: Trước khi xin việc, bạn cần phải đọc kỹ các yêu cầu của công việc và chỉ nộp đơn khi cảm thấy mình có đủ và thừa khả năng làm việc đó.

*) Đi quá xa vấn đề:


Ở nhà, bạn cần phải biết liệt kê những câu hỏi và phải xem những câu hỏi đó có phù hợp không. Điều cấm kỵ là hỏi những câu hỏi vô nghĩa hay nói huyên thuyên quá.

3. Một số lời khuyên để bạn có được công việc tốt

Các công ty ngày nay luôn muốn các nhân viên của mình có năng lực hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất. Làm việc tại đó, bạn sẽ được trả lương xứng đáng theo năng lực. Nhà tuyển dụng không hề tiếc tiền để giữ chân một nhân viên giỏi. “Bạn hẳn ch­ưa thể có ngay những kỹ năng cần thiết nhưng nhà tuyển dụng sẵn sàng cho bạn tham gia các khóa đào tạo phù hợp với trình độ bạn. Phần lớn các nhân viên đều đánh giá tốt những cơ hội đ­ược học hỏi thêm như­ vậy và chính là động cơ để họ có thể làm việc có hiệu suất cao hơn. Điều quan trọng là bạn cho nhà tuyển dụng thấy một năng lực làm việc tốt”, David Thompson nói.
*) Bạn đừng làm việc với tâm trạng có thể chấp bất cứ công việc gì: Không ai tin một người nói vu vơ, không rành một thứ nào hết. Tốt nhất là bạn phải nói bạn chắc chắn làm một công việc nào đấy và đã có kinh nghiệm một vài năm với công việc đó. Nói chung là bạn đừng ứng tuyển vào những công việc có tính chất chung chung sẽ có đông người cùng xin việc với bạn. Bạn cũng đừng bày tỏ năng lực chung chung của mình, vì bạn sẽ chìm trong số đông người các ứng viên khác.

*) Thường xuyên trau dồi kiến thức văn chư­ơng, lịch sử, địa lý: Những kiến thức văn chương, lịch sử, địa lý sẽ giúp bạn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp tại công sở. Cuộc sống trong công ty có đủ các mối quan hệ khác nhau. Làm sao để mình làm việc chung được với các đồng nghiệp đạt hiệu quả là bạn đã thành công lớn trong công việc.

*) Đừng xem thường việc cần biết đọc, biết nghe và biết phát biểu: Xem qua thì t­ưởng như ba việc trên là rất bình thường nhưng không phải mọi ứng viên mà David đã phỏng vấn qua đều là những con người thực sự biết làm những điều đó. Các công việc này là tối cần thiết để bạn có thể hiểu được những việc gì đang và sẽ diễn xung quanh bạn.

*) Hãy chứng tỏ rằng bạn là người dễ hoà nhập: Đừng từ chối một sự thuyên chuyển, một sự đề bạt. Khi “sếp” tìm đến bạn tức là “sếp” đã vấp phải chuyện khó khăn và “sếp” tin vào bạn.

*) Hãy lập cho bạn một mạng l­ưới thông tin việc làm: David kể lại có những ứng viên mà ông được biết luôn có sẵn bên mình một danh sách gồm hàng trăm các nguồn thông tin việc làm khác nhau. Đó có thể là từ những bạn vè, người thân, báo chí, Internet hay những mối quen biết xã giao. Hãy nhớ đến các mối quan hệ của bạn, đôi khi bạn sẽ có được thông tin công việc thích hợp.

*) Biết cách nghĩ ngợi tìm cho ra một công việc mà mình có thể làm tốt trong khi nhiều người khác không thể làm được: Nên nhớ là một công việc bị nhiều người chê không chịu làm, đó là công việc hái ra tiền và khởi điểm của nhiều thành công lớn.

*) Đáp ứng đúng lúc những yêu cầu cấp bách của nhà 
 tuyển dụng Bạn cần biết gợi ý cho nhà tuyển dụng biết rõ những việc cần làm mà họ chưa kịp nghĩ ra. Điều này thường đem lại những thành công bất ngờ, đồng thời giúp bạn có được sự tin tưởng của nhà  tuyển dụng .

*) Phối hợp tốt với đồng nghiệp: Đây là yếu tố thể hiện sự thành công của một nhân viên chuyên nghiệp. Được đồng nghiệp ủng hộ và cộng tác, bạn như được chắp thêm đôi cánh. Năng động, có khả năng tư duy độc lập, có kinh nghiệm,… vẫn chưa đủ tạo nên một tác phong chuyên nghiệp. Bạn cần biết cách phối hợp cùng với các đồng nghiệp. Tựa như những viên gạch, sự phối hợp ăn ý giữa các đồng nghiệp sẽ tạo nên một ngôi nhà vừa đẹp vừa bền.


Ngoài gia đình và bạn bè, các đồng nghiệp chính là lực lượng quan trọng có thể giúp bạn giải tỏa stress, chống lại bệnh tim và huyết áp. Căng thẳng do áp lực của công việc là điều bạn không thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn hãy cố gắng tận hưởng “liều thuốc đồng nghiệp” một cách triệt để. Được đồng nghiệp ủng hộ, cộng tác cũng có nghĩa là bạn được chắp thêm đôi cánh.


Sau cùng, “người Nhật từng có cách ví von rất hay về các nhân viên trong công ty. Họ cho rằng, mỗi nhân viên là một viên ngọc. Thế nhưng, những viên ngọc ấy chưa thực sự toả sáng cũng như chẳng chịu tìm cách kết dính vào nhau. Kết quả là “chúng” không tạo nên một kết quả nổi bật nào cả. Họ cũng lấy làm tự hào khi nhìn nhận mỗi người Nhật chỉ là một hạt cát rất nhỏ. Điểm đặc biệt là nhiều hạt cát biết làm nên vương miện đính ngọc trai. Bạn hãy là một hạt ngọc trai như vậy”, David Thompson nhận định.


(Tổng hợp từ Job Career Guide)